(ĐSPL) – Kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm nay vắng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy vậy, hình ảnh của ông vẫn luôn in đậm trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.
Hơn hai tháng trước, cả dân tộc ta nghẹn ngào tiễn biệt người anh cả, vị tướng tài, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tháng 12 này, cả nước đang có nhiều hoạt động ý nghĩa tổ chức kỷ niệm 69 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 24 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân 22/12/2013 thì sự thương tiếc đối với Đại tướng càng trỗi dậy mạnh mẽ trong lòng mỗi người con đất Việt.
Chưa từng đào tạo tại bất kỳ trường quân sự, cũng chưa được trải qua bất cứ cấp bậc quân hàm nào trong quân đội, Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20/ 1/ 1948. Ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi.
Sau này, khi trả lời phóng viên nước ngoài về tiêu chí phong tướng, Hồ Chí Minh đã nói:"Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng".
Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là "Chiến tranh nhân dân" kế thừa quan điểm quân sự Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Trong 9 năm trường kỳ đánh Pháp, Võ Nguyên Giáp đã có những sáng kiến quan trọng để phát huy sức mạnh quân sự và đã trở thành những kinh nghiệm quý báu như: "Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung". Cùng với chuyên gia quân sự Trung Quốc sang giúp huấn luyện quân đội, ông chỉ đạo chiến sĩ học tập, tiếp thu, nghiên cứu kỹ phương pháp của nước bạn, đồng thời nhắc nhở cán bộ, sĩ quan phải ghi nhớ việc tiết kiệm sinh mạng bộ đội do Việt Nam là nước nhỏ không thể nuôi nhiều quân.
Đại tướng giữa sự chào đón của Nhân dân Mường Phăng.
Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Hồ Chí Minh đã dặn dò: "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn".
Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một người hùng của những người dân bị nô dịch đã xem Võ Nguyên Giáp là thần tượng để hạ quyết tâm lật đổ chế độ thực dân xây dựng nền độc lập của riêng mình.
Đại tướng được coi là một tượng đài sống và có ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam, tầm ảnh hưởng lớn trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vào hồi 18h09 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013 tại Viện quân y 108, Hà Nội, nơi ông nằm điều trị từ năm 2009, hưởng thọ 103 tuổi và là Đại tướng Việt Nam sống thọ nhất.
Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng thông báo tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 12 và 13 tháng 10 năm 2013 và an táng tại quê hương Quảng Bình, theo ý nguyện của Đại tướng và gia đình. Địa điểm an táng là khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, nằm cách đèo Ngang khoảng 4 km.
Dòng người tới tiễn biệt Đại tướng lần cuối dường như dài vô tận và tấm lòng của nhân dân Việt Nam dành cho ông cũng vậy.
Tuy Đại tướng đã đi xa nhưng niềm tin, sức mạnh mà Người đã truyền cho các cán bộ, chiến sỹ hôm nay vẫn còn nguyên, vẫn là động lực để các thế hệ quyết tâm thực hiện tâm nguyện của người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam trước lúc ra đi.
Kim Linh (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét