Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn

TTO - Kỳ thi tốt nghiệp và đại học sắp tới, muốn làm bài thi môn văn được tốt, ngoài việc nắm vững kíến thức, các em cần phải biết kỹ năng làm bài, phân tích tác phẩm theo thể loại. Muốn làm tốt điều đó, hãy lưu ý những điều sau đây.

)
 * Phần mở bài bao giờ cũng phải giới thiệu chung về tác giả, nội dung sáng tác, phong cách nghệ thuật, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, chủ đề tác phẩm. Nếu có phần mở bài riêng thì phần này sẽ được đẩy xuống phần đầu tiên của thân bài.
(Ví dụ: giới thiệu về bài thơ Sóng: Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Thơ của Xuân Quỳnh là tiếng nói của tâm hồn người phụ nữ đầy trắc ẩn và luôn da diết với hạnh phúc đời thường/ Bài thơ Sóng được sáng tác năm 1967 tại biển Diêm Điền, bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ của Xuân Quỳnh hồn hậu, tự nhiên, đằm thắm, chân thành/ Sóng là lời tự bạch chân thành, tha thiết và sâu sắc của trái tim người con gái đang yêu, khi yêu trạng thái tâm lý của người con gái có bao nhiêu biểu hiện thì soi vào bài thơ Sóng ta thấy có bấy nhiêu biểu hiện: từ trạng thái đối cực đến nỗi nhớ mong chờ đợi và khát vọng vươn tới một tình yêu vĩnh hằng)

* Phần thân bài chú ý phân tích theo đặc điểm thể loại.
Về văn xuôi
1. Phải làm nổi bật được đặc điểm của nhân vật trên các phương diện: ngoại hình, tính cách, tâm trạng, số phận.
(Ngoại hình của nhân vật người đàn bà và người đàn ông trong Chiếc thuyền ngoài xa, của nhân vật Chiến - những đứa con trong gia đình - ngoại hình bao giờ cũng góp phần thể hiện tính cách, số phận và thành phần xuất thân của nhân vật. Về tính cách, Tnú: dũng cảm gan dạ, kiên cường, bất khuất, yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, người đàn bà: cam chịu nhẫn nhục, giàu lòng vị tha và đức hi sinh, thấu hiểu sâu sắc lẽ đời. Về tâm trạng - thường đi theo trục thời gian -  tâm trạng của nhân vật Tràng: khi ở trên phố, khi nhặt vợ, khi đưa về nhà và sau khi đưa vợ về nhà; tâm trạng của nhân vật thị: trước khi là vợ nhặt, khi là vợ nhặt, sau khi là vợ nhặt; diễn biến tâm trạng của Mỵ trong đêm tình mùa xuân và khi cứu A Phủ. Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật bao giờ cũng chú ý làm rõ tính cách số phận của nhân vật. Về số phận, kết thúc tác phẩm nhân vật có kết cục như thế nào. Sống trong bạo hành dã man của người chồng, hay một tương lai tươi sáng hé mở cho vợ chồng anh Tràng với hình ảnh đoàn người đói với lá cờ đỏ đi phá kho thóc của Nhật.
- Sau khi phân tích phải đánh giá về nhân vật: đại diện cho tầng lớp nào, thể hiện ý đồ gì của tác giả và giá trị gì của tư tưởng của tác phẩm.
Dù phân tích ở mức độ nào, một đoạn văn, một nhân vật hay một chi tiết nghệ thuật, khi phân tích xong đều phải đúc kết được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.
2. Những biểu hiện của giá trị hiện thực và nhân đạo
- Nói lên nỗi khổ đau của con người: bị bóc lột về vật chất, bị chà đạp về tinh thần, bị tước đoạt sự sống, hạnh phúc...
(Nỗi đau khổ của con người: Vợ chồng A Phủ là nỗi khổ bị bóc lột, bị đọa đày, Mỵ và A Phủ đều là nạn nhân của nhà Thống Lí: một người là con dâu gạt nợ, một người là con ở gạt nợ, bị bóc lột sức lao động đến kiệt quệ, làm việc quần quật như trâu ngựa, làm thân phận tôi đòi đến mãn kiếp không ngóc đầu lên được. Vợ nhặt là nạn đói khủng khiếp, thân phận con người bị coi như cỏ rác, đói đến mức những chuyện thiêng liêng hệ trọng của đời người trở thành chuyện giản đơn, người ta có thể nhặt vợ ở ngoài đường mang về; là sự chịu đựng đau đớn của người đàn bà trước sự tàn bạo của người chồng, đánh vợ mà như đánh kẻ thù truyền kiếp trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa)
- Tố cáo giai cấp thống trị và xã hội thối nát - nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ bất hạnh của con người.
(Sự tàn ác dã man của cha con thống lí Pá Tra, bóc lột sức lao của người dân lao động đến kiệt cùng, coi mạng người như cỏ rác - Vợ chồng A Phủ. Vợ nhặt - tố cáo nạn bạo hành trong gia đình, sự tàn bạo của người chồng vũ phu, sự đói nghèo sau chiến tranh -Chiếc thuyền ngoài xa)
- Ngợi ca vẻ đẹp của con người: vẻ đẹp ngoại hình, vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp về tài năng, nhân cách.
(Ở A Phủ là một thân hình cao lớn có sức lao động hơn người "như một con trâu tốt trong nhà", là sự hồn nhiên trẻ  trung yêu đời "ngày tết chỉ có một cái vòng vía ở cổ vẫn đi chơi", là sự dám đánh lại con nhà quan mà không sợ bị đánh hay phạt vạ; ở Mỵ là sự tài hoa, xinh đẹp, hiếu thảo, là sự tiềm tàng sức phản kháng mãnh liệt như than hồng được ủ kín trong tro không bao giờ bị dập tắt; ở người đàn bà là sự cảm thông cho sự vất vả, cực nhọc của người chồng trong cuộc mưu sinh, là sự hi sinh hết mực, sống cho con chứ không phải cho mình; ở bà cụ Tứ là sự thương yêu cảm thông chia sẻ "người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này người ta mới lấy đến con mình và con mình mới có được vợ" - là sự an ủi động viên vun đắp lo lắng cho tương lai con.
- Thái độ cảm thông của nhà văn đối với nỗi bất hạnh của nhân vật.
(Đó là sự quan tâm, chia sẻ của Nguyễn Minh Châu với những người phụ nữ làng chài nơi vùng biển vắng, họ phải vất vả cực nhọc lam lũ trong cuộc vật lộn với sóng gió cuộc đời và sóng gió biển khơi - Chiếc thuyền ngoài xa. Với Tô Hoài đó là sự ấm ức tức tưởi như hòa cùng nỗi lòng thổn thức của nhân vật, dường như mỗi lần Mỵ rơi vào đau khổ là mỗi lần Tô Hoài cùng khóc với Mỵ, nhà văn tin vào sức sống bất diệt của con người không bao giờ bị dập tắt - Vợ chồng A Phủ)
- Đề cao khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người, hướng nhân vật đến một tương lai tươi sáng.
(Nhà văn nói lên nguyện vọng đau đáu thiết tha muốn được vươn lên làm người, muốn sống một cuộc sống cho ra sống, sự phản kháng lại cái xã hội áp bức bóc lột, phản kháng lại thực tại đen tối để tìm đến tự do và hạnh phúc - Vợ chồng A Phủ. Khao khát vươn lên cái thảm đạm để mà vui mà hi vọng của người dân ngụ cư, Kim Lân đã khẳng định sự bất diệt của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người trong mọi hoàn cảnh - Vợ nhặt)
3. Bên cạnh giá tri nội dung tư tưởng của tác phẩm, cần phải phân tích những phương tiện nghệ thuật để biểu đạt nội dung đó:
- Tình huống truyện (tình huống éo le độc đáo trong Vợ nhặt, tình huống nhận thức và phát hiện trong Chiếc thuyền ngoài xa, tình huống lựa chọn có tính chất bi kịch trong Chữ người tử tù, tình huống dữ dội đột ngột bất ngờ trong Rừng xà nu) .
-  Cách xây dựng nhân vật: miêu tả ngoại hình, tính cách, phân tích diễn biến tâm lý (ngoại hình cao lớn, lam lũ của người đàn bà, ngoại hình dữ tợn của người đàn ông - Chiếc thuyền ngoài xa; ngoại hình khật khưỡng của Tràng trong mỗi chiều hôm chạng vạng, ngoại hình lọng khọng của bà cụ Tứ - Vợ nhặt; diễn biến tâm lý của Mỵ trong đêm tình mùa xuân và khi cứu A Phủ, diễn biến tâm lý của bà cụ Tứ khi Tràng dẫn vợ về nhà).
-  Ngôn ngữ tác phẩm: mang dấu ấn vùng miền nào, có đặc điểm gì, ngôn ngữ đó góp phần như thế nào trong việc làm nên giọng văn của tác giả (ngôn ngữ mang đậm sắc thái miền núi - Rừng xà nu; ngôn ngữ đậm sắc thái Nam bộ - Những đứa con trong gia đình; đậm sắc thái Bắc bộ - Vợ nhặt).
-  Bút pháp được sử dụng chủ yếu trong thiên truyện: sử thi, lãng mạn, miêu tả, hiện thực, trào phúng, đối lập (sử thi, lãng mạng - Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình - hiện thực lãng mạn -  Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ - hiện thực trào phúng - Hạnh phúc của một tang gia - vừa hiện thực lãng mạn lại vừa tương phản đối lập - Vợ nhặt).
- Giọng kể: theo ngôi thứ mấy - thứ nhất hay thứ ba - lạnh lùng hay cảm xúc khách quan hay theo cảm xúc chủ quan,  theo trình tự thời gian hay là đảo ngược - quá khứ, hiện tại , quá  khứ gần quá khứ xa - mỗi ngôi kể sẽ có  một tác dụng riêng tạo nên sự sinh động của câu chuyện  ("Chiếc thuyền ngoài xa " kể theo ngôi thứ ba , nhưng cũng có những lúc tác giả để cho nhân vật kể chuyện mình theo ngôi thứ nhất; "Vợ nhặt", "Vợ chồng A Phủ"  theo ngôi thứ ba , "Rừng xà nu " ngôi kể là một nhân vật trong truyện - cụ Mết ).
* Về thơ
Chú ý khai thác những yếu tố nghệ thuật thường được sử dụng trong thơ:
1. Thể loại thơ ( "Sóng" thể thơ năm chữ ngắt nhịp đa dạng có tác dụng diễn tả một cách sâu sắc sự chuyển hóa đa dạng, phong phú của những con sóng, " Đất nước" thể thơ tự do không bị gò bó về mặt câu chữ tuôn theo mạch cảm xúc, "Đàn ghi ta" thể thơ tự do những câu thơ dài ngắn khác nhau chữ cái đầu dòng không viết hoa sự đổi mới cách tân về nghệ thuật của Thanh Thảo, "Việt Bắc" thể thơ lục bát đậm tính dân tộc, phù hợp với giọng điệu trữ tình thương mến góp phần gợi lên sự da diết trong buổi chia ly. "Đất nước" thể thơ tự do không bị gò bó về câu chữ vần điệu thể hiện sự phóng túng trong cảm xúc).
2 . Các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, điệp ngữ, câu hỏi tu từ, phép đối, từ láy, từ trường nghĩa...
3. Ngắt nhịp, phối thanh, gieo vần, hình ảnh 
(Dốc lên/khúc khuỷu /dốc/ thăm thẳm
Nhịp thơ từ 3/4 gãy thành 2//2/1/2,  câu thơ có tới 5/7 thanh trắc, hai cặp từ láy có tác dụng diễn tả: những cái dốc như dựng đứng trước mặt, lên đến tận trời cao, hơi thở nặng nhọc dồn dập của người leo núi, những con đường khúc khuỷu cheo leo...) 
4.  Hình tượng thơ (Hình tượng sóng, hình tượng đàn ghita của Lorca, hình tượng Lorca, hình tượng người chiến sĩ Tây Tiến, hình tượng đất nước...)
5. Sau khi phân tích xong phải chú ý nêu lên cảm xúc, cái tôi trữ tình của nhà thơ qua bài thơ, đoạn thơ (Sự  ngưỡng mộ tài năng và thương tiếc cho số phận nghiệt ngã của Lorca - Đàn ghita của Lorca - cái tôi mãnh liệt sôi nổi nhưng cũng rất giàu nữ tính của tâm hồn của người phụ nữ hồn hậu và khao khát hạnh  phúc - "Sóng" của Xuân Quỳnh) 
* Các bước làm một bài văn nghị luận xã hội
1. Về tư tưởng đạo lý :
-    Giới thiệu vấn đề
-    Giải thích khái niệm
-    Bàn luận: lý do - biểu hiện - ý nghĩa
-   Thái độ đối lập
-   Nâng cao đánh giá
-  Bài học nhận thức và hành động
2.  Về một hiện tượng xã hội
-   Giới thiệu vấn đề
-    Giải thích khái niệm
-   Phân tích  thực trạng - hậu quả
-   Tìm nguyên nhân
-   Biện pháp khắc phục
-  Bài học nhận thức và hành động cho bản thân
+ Khi làm bài các em có thể thay đổi thứ tự các bước, nhưng không nên bỏ bất cứ bước nào. 
3. Về dẫn chứng
- Trong bài văn nghị luận dẫn chứng rất quan trọng, dẫn chứng hay, xác đáng cũng giống như nụ cười làm sáng bừng khuôn mặt. Dẫn chứng phải tiêu biểu, cụ thể, chính xác, toàn diện, vừa đủ. Trong bài văn nghị luận xã hội nên hạn chế lấy dẫn chứng trong tác phẩm văn học.
- Dẫn chứng cần có độ khái quát chỉ chắt lọc những điều cơ bản nhất, tránh tình trạng sa vào kể lại dẫn chứng.
Một yếu tố khác cũng quan trọng là chữ viết phải rõ ràng, cẩn thận sẽ giúp người đọc có thiện cảm hơn với bài viết của mình.         
Chúc các em làm bài thi môn văn thật tốt và đạt kết quả như mong đợi .
Cô HOÀNG THỊ THU HIỀN - giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét