Việc Trung Quốc leo thang các hành động phi pháp tại Hoàng Sa càng đòi hỏi chúng ta nỗ lực hơn nữa để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Cứu ngư dân Trung Quốc
Năm 1952, ông Lữ Điều cùng đồng đội nhận lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại ra Hoàng Sa giữ đảo. Nhiệm vụ của đoàn là kiểm soát, bảo vệ quần đảo; hằng ngày kiểm tra, thu thập, báo cáo tin tức về tình hình Hoàng Sa về cho đất liền. Ông Lữ Điều kể chuyến đi rất vất vả, nhiều người mệt mỏi do sóng gió, nhưng khi nhìn đảo trong lòng vô cùng sung sướng, cảnh quan ở đó rất chi là đẹp đẽ. Khi nói về chuyện ngư dân Việt Nam thời gian qua bị bắt bớ, ông Lữ Điều nhớ lại: “Chúng tôi ở được vài tuần thì có một tàu của Trung Quốc vào đảo để xin nước uống. Chúng tôi đã cung cấp cho họ trong lúc khó khăn và cho họ biết rằng nơi đây là lãnh thổ của Việt Nam”. Cũng theo ông Điều, họ tỏ ra rất biết ơn, “gật đầu và bắt tay chúng tôi trước khi chào rồi ra tàu”. Ngoài ra, cũng có tàu của ngư dân Nhật Bản bị bệnh nặng phải ghé đảo cầu cứu, đã được ông Lữ Điều cùng y sĩ ra tay giúp đỡ. Biết bao nhiêu lần, bằng tình cảm chân tình, nhiều lớp người Việt Nam ở Hoàng Sa đã nhiều lần cưu mang, ra tay nghĩa hiệp giúp đỡ những ngư dân gặp nạn.
Đại Thanh đế quốc vị trí khu hoạch đồ (vẽ năm 1909) vẽ phần cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh do Bảo tàng Đà Nẵng cung cấp |
Sau khi Trung Quốc công bố thành lập “thành phố Tam Sa” và lập ra các cơ quan hành pháp, HĐND TP.Đà Nẵng, chính quyền và nhân dân TP.Đà Nẵng kiên quyết lên án việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam tại Hoàng Sa.
Những người một thời sinh sống, làm việc, bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa cũng đã lên tiếng. Ông Phạm Khôi nói: “Trên bình diện luật pháp quốc tế về biển, không chỉ chúng ta mà cả thế giới cũng thấy không thể chấp nhận được việc dùng vũ lực chiếm giữ lãnh thổ của nước khác rồi thành lập chính quyền trên vùng lãnh thổ ấy. Hoàng Sa là của Việt Nam, huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính của TP.Đà Nẵng. Chúng ta cần lên tiếng bảo vệ chân lý, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam”. Còn ông Trương Văn Quảng cho rằng: “Tôi hoan nghênh Quốc hội khóa XIII đã thông qua luật Biển Việt Nam. Việc này đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam mong muốn tiếp bước các thế hệ cha ông, những người đã xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để gìn giữ, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”.
Trong câu chuyện của mình khi nói về những ngày tháng ở Hoàng Sa, mắt ông Trương Văn Quảng bao giờ cũng ánh lên niềm tự hào vì mình đã đóng góp một phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền. Là chứng nhân một thời, mong muốn lớn nhất của ông là giáo dục cho thế hệ trẻ biết về chủ quyền Hoàng Sa. Trong những cuộc gặp mặt gia đình nhỏ của mình, bao giờ ông cũng kể cho con, cho cháu nghe về Hoàng Sa. “Chúng ta nên thông qua chương trình giáo dục về lịch sử, địa lý ở các trường lớp để giáo dục cho học sinh và các thế hệ mai sau hiểu biết chủ quyền thực sự của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, ông Quảng nói.
Ông Nguyễn Văn Cúc (ở P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng mong muốn: “Tôi có đôi lời nhắn nhủ cho con cháu cũng như các thế hệ mai sau là cần phải hiểu rõ lịch sử của Hoàng Sa, về sự gian khổ, khó khăn, đi khai phá, giữ gìn Hoàng Sa của cha ông từ thời chúa Nguyễn. Phải luôn ghi nhớ Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Trong lòng Đà Nẵng
Ngày 25.4.2009, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng lúc bấy giờ, đã trao quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Phát biểu trong lễ nhậm chức Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, ông Đặng Công Ngữ khẳng định: “Tôi sẽ làm tốt nhất chức trách mà mình đã được giao phó. Là một công dân, tôi có trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Trên cương vị Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, tôi càng ý thức rõ hơn trách nhiệm này và sẽ làm hết sức mình”. Từ đó đến nay, ông đã tận tâm tận lực cùng các cộng sự gặp gỡ nhân chứng từng sống, làm việc tại Hoàng Sa, sưu tầm kỷ vật, tư liệu lịch sử quý báu từ mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Khi Trung Quốc lập ra cái gọi là "thành phố Tam Sa", trả lời báo chí, ông Đặng Công Ngữ một lần nữa khẳng định: "Việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" rồi tiến hành bầu cử HĐND, thị trưởng Tam Sa là bước leo thang vi phạm trắng trợn và thô bạo chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền quản lý hành chính của chính quyền TP.Đà Nẵng đối với đơn vị hành chính Hoàng Sa, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982".
Hiện UBND huyện đảo Hoàng Sa và Bảo tàng Đà Nẵng đang lưu giữ trên 350 tài liệu, hiện vật, hình ảnh gốc liên quan đến vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, trong đó có nhiều tài liệu quý giá khẳng định chủ quyền liên tục tại Hoàng Sa suốt từ thế kỷ 16 - thế kỷ 20. UBND huyện đảo Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã tổ chức, tham gia nhiều cuộc triển lãm, trưng bày hiện vật, tài liệu về Hoàng Sa nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu. Hiện TP.Đà Nẵng đang xây dựng một dự án trưng bày các tư liệu Hoàng Sa với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến ra mắt tại Bảo tàng Đà Nẵng trong năm 2012.
Hữu Trà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét