Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Môn tiếng Anh: loại trừ nhanh phương án sai


TT - Để làm tốt đề thi trắc nghiệm môn tiếng Anh, tuyệt đối không dừng lại quá lâu ở một câu hỏi mà thí sinh cho là khó. Nhưng cũng không có nghĩa là vội vàng chọn câu trả lời mà chưa đọc hết bốn chọn lựa (A, B, C, D). Thí sinh cần loại trừ nhanh chóng hai chọn lựa sai và thông thường còn lại một chọn lựa đúng và một chọn lựa gần đúng, cẩn thận để rút ra đáp án từ hai chọn lựa này.
Với phần ngữ âm, để có đáp án đúng và nhanh, thí sinh không nên đọc thầm mà nên phát âm từ được yêu cầu với mức độ khẽ đủ để tai nhận được trọng âm của từ đặt ở âm tiết nào hay để phân biệt giữa các nguyên âm hay phụ âm với nhau. Phần từ vựng và cấu trúc câu của đề thi ĐH, CĐ đều là những phần thí sinh đã được luyện tập nhiều ở bậc THPT nên cần làm ở tốc độ dưới một phút một câu để dành thời gian dư cho phần đọc hiểu.
Với loại bài đọc hiểu (reading comprehension), trước hết thí sinh nên đọc nhanh cả bài văn, kể cả đọc lướt qua các câu hỏi phía dưới để nắm ý chính của bài văn và những vấn đề liên quan được hỏi. Sau đó, thí sinh đọc chậm hơn, dựa vào từ và cấu trúc trong câu để đoán ý nghĩa của từ khó, gạch chân các chi tiết cần lưu ý (các con số biểu thị thời gian, số lượng...) để có quyết định chọn câu trả lời đúng nhất. Để trả lời loại câu hỏi tìm ý chính của đoạn văn, thông thường thí sinh hãy đọc kỹ câu đầu tiên và câu cuối cùng của đoạn văn.
LÊ THỊ THANH XUÂN (GV tiếng Anh)
Môn sử: trình bày đủ ý
Khi tiếp xúc với đề thi, các em phải đọc thật kỹ đề, hiểu yêu cầu cụ thể của đề để tránh tình trạng lạc đề. Sau đó, các em viết ra giấy nháp nội dung cơ bản của đề thi, trên cơ sở đó vận dụng kiến thức để làm bài. Khi làm bài, mỗi vấn đề cần trình bày đủ các ý, vì mỗi ý đúng đều có điểm. Đừng coi thi cử như một áp lực. Cơ hội cho tất cả thí sinh là như nhau, nhưng nếu thí sinh nào chuẩn bị kỹ hơn thì kết quả sẽ tốt hơn.
Vì một lý do nào đó mà các em chưa học hết chương trình môn sử khi ngày thi đang gần kề, có lẽ các em nên tham khảo những đề thi năm trước để có thể tập trung vào một vài chủ đề có khả năng ra thi nhiều nhất. Học sử không phải chỉ với mục đích là để thi mà môn sử còn giúp các em yêu nước, thương dân hơn. Thêm vào đó, môn sử sẽ giúp các em tránh những vết xe đổ của lịch sử và biết sống khôn ngoan hơn.
ĐOÀN VĂN ĐẠO (GV sử)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét