Chuyển thể ĐCTTNB thành ca ra bộ
Thuở nhỏ, cụ Trương Duy Toản (tự: Mạnh Tự, hiệu: Đổng Hồ, SN 1885 ở quận Tam Bình, tỉnh Cần Thơ, nay là tỉnh Vĩnh Long) học tại Sài Gòn, giỏi chữ Hán và tiếng Pháp. 

Năm 1905, cụ làm Thư ký văn phòng Tòa Khâm sứ Nam Vang, đến năm 1907 đổi về Sài Gòn. Lúc này, phong trào Duy Tân của cụ Phan Bội Châu lan vô Nam (gọi là phong trào Minh Tân) do Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Khương (cha của nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh) và Đặng Thúc Liêng  bí mật tổ chức. 
Năm 1908, cụ Toản gia nhập Hội Minh Tân, tham gia thành lập “Chiêu Nam Lầu” của Nguyễn An Khương ở Mỹ Tho. Sau đó, cụ sang Nhật hoạt động trong phong trào Đông Du, làm thư ký cho Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, rồi về nước (khi phong trào Đông Du bị giải tán). 
Năm 1913, Trương Duy Toản  theo Cường Để sang Pháp đưa Giác thư phê phán chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, bị bắt giam ở khám La Santé (Paris).  Đến tháng 4.1916, cụ được trả tự do và trục xuất về Sài Gòn, quản chế  tại làng Nhơn Ái (quận Phong Điền, tỉnh Cần Thơ).
Làng Nhơn Ái là đất mới khai phá cuối thế kỷ XIX do cư dân miền Trung - đa phần là người Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) vào đây mở đất (tên gọi huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ ngày nay bắt nguồn từ đây). Tại đây, có phong trào ĐCTT phát triển rất mạnh. Hòa mình vào cuộc sống của người dân quê thống khổ, từ những bản ĐCTT, cụ Toản sáng tác những bài ca rút từ truyện thơ Lục Vân Tiên theo điệu Tứ đại oán (Lão quán ca, Vân Tiên mù, Khen chàng Tử Trực...) hoặc Kiều oán, Từ Hải... rút từ Truyện Kiều cho ban tài tử Ái Nghĩa (Phong Điền) biểu diễn.
Điểm đặc biệt của những bài ca này là người biểu diễn vừa hát, vừa tạo cử chỉ, điệu bộ với những sắc thái đa dạng theo giai điệu và nội dung bài ca nên rất nhộn nhịp. Chính vì vậy, những sáng tác của cụ Toản được gọi là ca ra bộ (vừa hát vừa tạo cử chỉ, điệu bộ). Theo những tài liệu còn lưu lại, cụ Toản là một chí sĩ yêu nước, chịu ảnh hưởng Tây học, ít am hiểu ĐCTTNB.
Ông tổ của sân khấu cải lương
Những bài ca ra bộ của cụ Toản sau đó được nhóm Amis Sa Đéc của André Thận dàn dựng và biểu diễn. Cụ Toản lại viết thêm các bài ca ra bộ: Bùi Kiệm mê sắc  Nguyệt Nga (3 vai Bùi Kiệm, Bùi Ông và Nguyệt Nga); Kim Kiều hạnh ngộ (2 vai)... Dần dần, ca ra bộ lan qua Vĩnh Long. Ông Tống Hữu Định lại dàn dựng và biểu diễn... 
Năm 1910, ở Mỹ Tho, ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) thành lập ban ca ra bộ Tư Triều với Tư Triều (đờn kìm), Chín Quán (đờn độc huyền), Năm Diệm (đờn tỳ bà), Bảy Võ (đờn cò), Mười Lý (thổi tiêu), cô Hai Nhiễu - con ông Tư Triều (đờn tranh) và cô Ba Đắc (ca). 
Khi biểu diễn, tất cả các nhạc công đều ngồi trên bộ ván; còn người ca thì đứng cạnh đó. Bài “ruột” của ban ca ra bộ Tư Triều là bản tứ đại oán Bùi Kiệm ghẹo Nguyệt Nga. Mỗi khi trình diễn bản này, cô Ba Đắc vừa ca vừa ra điệu bộ của 3 nhân vật (Bùi Ông, Bùi Kiệm và Nguyệt Nga). Lối diễn tấu mới này đã chinh phục đông đảo khán giả bởi sự mới mẽ, sinh động và  hấp dẫn. Ban được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi; kể cả ở Pháp... 
Năm 1920, thầy Năm Tú dàn dựng vở cải lương Kim Vân Kiều của cụ Toản, đánh dấu sự ra đời của loại hình cải lương ở Nam Bộ. Cụ Toản để lại cho hậu thế một số vở tuồng nổi tiếng để hình thành loại hình cải lương ở Nam bộ như: Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Trang Châu mộng hồ điệp, Lưu Yến Ngọc cứu cha đại hiếu...
Theo nhiều nguồn tin, cụ Toản mất năm 1957, được an táng tại quê nhà. Tuy nhiên, sau thời gian cất công đi tìm, người viết phát hiện nơi an nghỉ của cụ nằm trong khuôn viên nghĩa địa Chiếu Minh Tam Thanh, ngay chân cầu Hưng Lợi (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).
  
Năm 1919, cụ Toản có mặt trong Bộ biên tập “Thời báo” do Hồ Văn Lang - tức Cường Sĩ Thất Lang - làm chủ bút. Năm 1923, cụ nhận làm chủ bút tờ “Trung Lập”; năm 1926 làm chủ bút tờ Sài Thành... Các tác phẩm có tiếng vang của Trương Duy Toản: Tiểu thuyết lịch sử Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân (F.H.Schneider xuất bản, Sài Gòn, 1910); truyện ngắn Tình hải nhất trích (F.H.Schneider xuất bản, Sài Gòn, 1916) và nhất là Truyện Đơn Hùng Tính, An Nam tục kêu Ba Tính (Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1925).