Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Đờn ca tài tử con đường đến với Unesco

Nhắc đến Đờn ca tài tử người ta nghĩ ngay đến xứ miệt vườn, đến vùng đất phương Nam. Đây là thể loại “thính phòng” đặc thù của miền Nam, cũng như Ca trù của miền Bắc và Ca Huế của miền Trung. Với người dân Nam bộ, Đờn ca tài tử đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời.
Những ai đã từng sống hay có dịp về thăm nơi đây nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát, những dịp cúng tế ở đình, ở miếu, đám cưới, đám hỏi, đám tang hay giỗ chạp, tiệc tùng đều có thể được thưởng thức Đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử có thể trình diễn ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào; trang phục thường giản dị, bình dân không câu nệ.
Có người hiểu lầm rằng chữ “tài tử” có nghĩa là không chuyên nghiệp, mang tính cách giản dị của dân gian và của những người nghiệp dư. Theo GS.TS Trần Văn Khê, thật ra “tài tử” có nghĩa là người có tài như trong câu “dập dìu tài tử giai nhân” (Truyện Kiều). Chữ “tài tử” còn để chỉ việc không dùng nghệ thuật của mình để làm kế sinh  nhai. Tuy nhiên không phải vì thế mà trình độ của người tài tử lại thấp. Để trở thành người tài tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian luyện tập rất công phu, học từ chữ nhấn, chữ chuyền, “rao” sao cho mùi, “sắp chữ” sao cho đẹp và luôn tạo cho mình một phong cách riêng.

Những người thích Đờn ca tài tử hay cùng với bạn đồng điệu họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng hoà đàn để người mộ điệu thưởng thức. Người đàn tài tử chính thống hễ vui, ngẫu hứng thì đàn chơi, còn không hứng thì thôi, không ai có thể bỏ tiền ra mua được tiếng đàn của họ.
Không ai quy định một buổi Đờn ca tài tử như thế phải có bao nhiêu người, bất cứ ai biết đàn biết ca đều có thể tham gia, cũng không theo chương trình sắp sẵn mà những người đồng điệu gặp nhau, cao hứng muốn đàn bản gì là tất cả cùng hoà đàn. Đôi khi một người một đàn cũng làm nên một buổi Đờn ca tài tử, nhưng lí tưởng thì ngoài người ca còn cần tranh - cò- kìm- sáo (sau này có thêm sến, độc huyền cầm, ghi-ta phím lõm) cùng hoà điệu.
Khác với Ca trù miền Bắc hay Ca Huế miền Trung mà lời ca quan trọng hơn tiếng đàn, trong Đờn ca tài tử Nam bộ, dàn nhạc được chú ý hơn tiếng ca. Thường người  nghe rất chú trọng vào chữ đàn nhấn có gân, cách sắp chữ duyên dáng, cách xuống câu ngọt ngào, uyển chuyển đến lối đàn bay bướm, đa dạng.

 Quá trình hình thành: Theo chân cha ông đi mở cõi.    
 
GS.TS Trần Văn Khê cho biết đến nay vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định về niên đại cụ thể của nghệ thuật Đờn ca tài tử. Dựa theo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân thì Đờn ca tài tử hình thành vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Lúc này ở Nam bộ đã hình thành 2 nhóm ca nhạc tài tử và tranh đua với nhau về nghệ thuật, ra sức cải tiến, nâng cao sáng tác thêm nhiều bài bản mới bổ sung vào. Trưởng nhóm miền Tây là ông Trần Quan Quờn (Ký Quờn), trưởng nhóm miền Đông là ông Nguyễn Quang Đại. Nguyễn Quang Đại là nhạc quan của triều đình Huế, vì bất mãn cảnh phải phục vụ giặc Lang Sa xâm lược, đã bỏ kinh thành vào Nam sau khi hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (khoảng thập niên 1870). Ông trôi dạt đến vùng đất Chợ Đào (nơi có gạo Nàng Thơm Chợ Đào, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), mở lớp dạy đờn ca. Ông là người Quảng Nam, con thứ ba trong gia đình, theo cách gọi của dân Nam bộ là Ba Đại, nhưng nói trại theo tiếng Quảng Nam là Ba Đợi. Tại Chợ Đào, ông Ba Đợi thu nhận những học trò có máu mê đờn ca để truyền dạy những bài bản cung đình. Nhạc lễ cung đình trang trọng, hoành tráng đã trở nên dân dã, gần gũi trong môi trường của vùng đất mới khẩn hoang. Từ Cần Đước, nhạc tài tử được khơi nguồn từ ông Ba Đợi đã nhanh chóng giao thoa cùng các dòng nhạc lễ khác ở Nam Bộ, hình thành nên bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử nam bộ từng phát triển rực rỡ trong nửa đầu thế kỷ 20.
Trước đó, ông Ba Đợi và những nhạc quan của triều Nguyễn trên đường vào Nam đã dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam; từ đó Ca Huế mang theo chút âm hưởng xứ Quảng.
Vào đến miền Nam, Đờn ca tài tử không còn giữ nguyên chất Ca Huế mà thay đổi rất nhiều để thích nghi theo thị hiếu, thẩm mỹ phù hợp với nếp sống mới. Những con người tháo vát, đầy sáng tạo, tuy đã tìm thấy một cuộc sống an lành khi đến với vùng đất màu mỡ, nhưng do lòng luôn thương nhớ cội nguồn nên trong các điệu, các hơi của Đờn ca tài tử thường thích những điệu có phảng phất nỗi u buồn. Trong khi phong cách miền Trung vẫn giữ theo truyền thống một cách chặt chẽ thì ở miền Nam lại phóng khoáng và bay bướm, nét nhạc cũng như tiết tấu thay đổi tuỳ lúc, tuỳ người. Ông Ba Đợi thường nhắc nhở học trò: “Lễ phải có Nghi. Nhạc phải có Hoà. Tiếng đàn phải đủ trầm, bổng, nhặt, khoan”.
Mặc dù nghệ thuật Đờn ca tài tử có lịch sử hình thành muộn hơn so với nghệ thuật Tuồng, Chèo, Quan họ hay Ca trù …nhưng điều đáng quan tâm là loại hình nghệ thuật này đã chứa đựng đầy đủ, mang đậm các giá trị văn hoá Việt với những đặc trưng đa dạng, độc đáo; vừa mang tính chuyên nghiệp vừa đậm chất dân dã, tài tử.
 Nhạc khí trong Đờn ca tài tử:
Nhạc khí chính là đàn kìm (đàn nguyệt) và đàn tranh (thập lục). Theo truyền thống, ít khi nhạc công độc tấu mà thường song tấu đàn kìm và đàn tranh với tiếng “thổ” pha tiếng “kim”, hoặc tam tấu (kìm, tranh, cò), đôi khi có ống sáo thổi ngang hay ống tiêu thổi dọc. Và đặc biệt là song lang (nghĩa là hai thanh tre già - có người gọi là song loan) để đánh nhịp. Ngoài ra còn có các nhạc khí khác như đàn sến, đàn gáo, đàn độc huyền (đàn  bầu), đàn tỳ bà nhưng ít thông dụng.
Từ khoảng năm 1930 có thêm những nhạc khí phương Tây như vi-ô-lông, măng-đô-luyn khoét phím, ghi-ta măng đô, ghi-ta Hạ-uy-di, ghi-ta Tây Ban Nha được chỉnh lại, thường gọi là ghi-ta phím lõm, để có thể “nói” trung thực, chính xác ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Trong Đờn ca tài tử thường có 2 cách lên dây đàn chính: dây bắc (đàn những bản hơi Bắc, hơi Quảng, hơi Nhạc) và dây nam (đàn những bản hơi Xuân, hơi Ai, hơi Đảo), thường khi còn có thêm dây Oán và dây Vọng cổ; mỗi nhạc khí lại có cách lên dây đặc biệt. Dàn nhạc rất được chú trọng trong Đờn ca tài tử, người nghe để ý vào tiếng đàn nhấn “có gân”, cách sắp chữ, sắp câu duyên dáng, cách xuống câu đến “xang, hò, xề...” ngọt ngào; cách đàn “câu thòng, câu nhồi, câu lợi” bay bướm. Nhưng tiếng ca cũng không kém phần quan trọng.
Bài “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu ra đời cuối thập niên 1910, đã phát triển rực rỡ trong những thập niên sau đó để trở thành bài vọng cổ lừng danh. Tiếng nhạc du dương và lời ca bình dị rất hợp với người Nam bộ; hình ảnh người chinh phụ ở đây đã hoà nhập thực sự vào cuộc đời thường, phản ánh đúng tâm trạng yếu đuối của người phụ nữ khi xa chồng, nhất là trong những hoàn cảnh bắt buộc phải chia duyên rẽ thuý. Có lẽ chính cái “tính thường” này đã làm rung cảm người nghe.
 Những nét đặc thù của nghệ thuật Đờn ca tài tử
- Rao: Trước khi vào bản thuộc hơi nào, nhạc công Đờn ca tài tử luôn có câu rao theo hơi đó, một mặt dẫn thính giả đi vào làn điệu, vào hơi để nghe bản đàn, đồng thời cũng là nghe thử cây đàn có phím nào lệch hay dây đàn cứng quá hoặc mềm quá không, để lúc biểu diễn tiếng nhạc được hoàn chỉnh hơn.
Khác hẳn với những bài “dạo” của miền Trung luôn có nét nhạc cố định, câu “rao” theo truyền thống miền Nam phóng túng hơn nhiều. Mỗi người thầy có một cách rao, lúc đầu người học đàn theo cách của thầy, nhưng khi đạt đến mức nghệ thuật khá cao thì được phép sáng tạo những câu rao của riêng mình. “Rao” thể hiện toàn bộ khả năng ứng tấu và cả cá tính của người nhạc sĩ tài tử. Câu “rao” không chỉ là lời mở đầu cho bài bản mà có khi còn chứa đựng cả cung bậc của tình cảm: hỷ, nộ, ái, ố, bi, ai…Qua câu “rao”, thính giả sành điệu có thể nhận thức được tính tình của người đàn. Hoặc với những nhạc sư lão luyện có thể chỉ với vài câu “rao”, người ngoài nhạc giới Tài tử, người chưa từng biết về Đờn ca tài tử Nam bộ cũng có thể hiểu được, cảm thông và thưởng thức trọn vẹn phong cách Đờn ca tài tử, hiểu biết về “người Tài tử”.
- Chữ nhạc: Mỗi chữ nhạc không có cao độ tuyệt đối, chỉ có cao độ tương đối, cũng không có cao độ nhất định mà có thể là một chữ đàn “non” hay “già”. Nhiều chữ nhạc trong bản đàn được tô điểm bằng cách nhấn nhá, rung, mổ. Bàn tay mặt tạo ra những “thanh” có cao độ, cường độ, màu âm, nhưng đó mới là cái “xác” của âm nhạc, phải nhờ bàn tay trái rung, nhấn để tạo nên cái “hồn” làm nên giá trị đích thực của nghệ thuật.
- Những cách tô điểm đặc thù: Thường thì trong các loại nhạc tô điểm là điều không bắt buộc, nhưng trong nhạc tài tử, chính những cách tô điểm đặc thù, nhất là cách đàn chữ “xang”, tạo nên cái bản sắc, cái giá trị tinh tế của Đờn ca tài tử. GS Trần Văn Khê đã ví von: “Một chữ nhạc mà nhạc sĩ không tô điểm cái riêng của mình như một đêm không trăng sao”… Trong thang âm hơi Bắc, những chữ xự - cống phải rung, hò - xang – xê mổ. Trong thang âm hơi Quảng thì ngược lại, xự - cống phải mổ, hò – xang – xê rung. Để đàn hơi Xuân, cách tô điểm chữ xang là quan trọng nhất, đi từ xang vuốt lên xê, có thể lên gần chữ cống non (thường trong nghề gọi là xế), trở về xang. Để đàn hơi Ai, chữ xang rung lúc đầu, vuốt nhẹ lên hơi xê mà không trở về xang. Do đó, trong nghệ thuật Đờn ca tài tử có 4 cách đàn chữ xang thật đúng mới thể hiện các hơi một cách rõ ràng: hơi Bắc vui vẻ, hơi Quảng rộn ràng, liến thoắng, hơi Xuân êm đềm thanh thản, hơi Ai, hơi Oán buồn thảm.
- Cấu trúc âm thanh: Đờn ca tài tử có cấu trúc “động và mở” thay vì “tịnh mà đóng” như phương Tây.
- Phát triển và vận hành giai điệu: Khi hoà đàn, người đờn ca tài tử không bao giờ lặp lại y khuôn “lòng bản” như thầy đã dạy mà phải dựa theo quan điểm thẩm mỹ “học chân phương, đàn hoa lá”. Đặc biệt cách phát triển và vận hành giai điệu trong Đờn ca tài tử tuân theo những nguyên tắc của dịch lý, một triết lý sống trong xã hội người Việt nói riêng và người vùng Đông Nam Á nói chung. Theo đó thì con người và sự vật luôn thay đổi không ngừng, nhưng sự thay đổi đó không làm ta biến dạng vì có những yếu tố bất dịch không thể thay đổi được, nghĩa là có “biến dịch” mà cũng có “bất dịch”.
Cũng vậy, trong đàn tài tử thì “nét nhạc, chữ nhấn, chữ chuyền” của mỗi câu trong  bài bản có thể thay đổi tuỳ trường phái hay người đàn, nhưng “lòng bản” không thể thay đổi, do vậy người đàn có thêm chữ chuyền, có đổi nhịp nội ra nhịp ngoại thì người nghe vẫn nhận ra bản đàn.
Ngoài ra lại còn có giao dịch: Khi có sự gặp gỡ của hai yếu tố thì phải thay đổi để không đi đến xung đột. Hoà đàn tài tử cũng vậy: nếu tỳ bà hoà với đàn kìm, vì cả hai có màu âm gần giống nhau nên thường thì đàn kìm chơi nhịp nội trong khi tỳ bà đàn nhịp ngoại để có sự hoà hợp.
- Bài bản: Theo thường Đờn ca tài tử có 20 bài tổ, tuy không phải người Đờn ca tài tử nào cũng thuộc đầy đủ hay khi hòa đàn cũng không bắt buộc phải chơi hết 20 bài, nhưng các nghệ sĩ đều phải biết tên các bài đó bao gồm:
6 bài Bắc: Tây Thi, Cổ bản, Lưu thuỷ trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn hay Xuân tình điểu ngữ.
3 bài Nam: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo hay đảo ngũ cung.
4 bài Oán: Tứ đại oán, Phụng cầu, Giang nam, Phụng hoàng.
7 bài lớn (có khi gọi là 7 bài hơi nhạc hoặc 7 bài cò): Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiểu khúc, Vạn giá.
Ngoài ra có rất nhiều bài bản khác được dùng, trong đó vọng cổ 32 nhịp là thông dụng nhất. Trong một chương trình hoà nhạc Đờn ca tài tử lúc nào cũng có bài vọng cổ.
Ngày xưa buổi hoà nhạc bắt đầu bằng  những bản đàn, bài ca điệu Bắc, hơi Bắc vui tươi; tiếp theo chuyển sang hơi Quảng, hơi nhạc, hơi Hạ; rồi qua điệu Nam, hơi xuân, hơi Ai,qua Đảo ngũ cung. Phần cuối bao giờ cũng chuyển sang hơi Oán, Ai oán và Vọng cổ là những điệu buồn vẫn được người nghe chuộng hơn những bài vui.
 Và phát triển qua những chặng đường
Lần theo tư liệu của các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ Nam bộ và những người yêu nghệ thuật Đờn ca tài tử, người ta có thể biết rằng, kể từ nửa cuối thế kỉ XIX tới nay, Đờn ca tài tử Nam bộ đã có một quá trình phát triển trên một trăm năm. Con số đó thật nhỏ nhoi so với lịch sử âm nhạc của một quốc gia đã có tuổi đời hàng ngàn năm. Mặc dù vậy, thể loại âm nhạc này đã có một sức phát triển thật đáng khâm phục, không chỉ bởi tốc độ phát triển nhanh chóng của nó, mà cả bởi sức chống chọi với bối cảnh khắc nghiệt mà nó phải đương đầu.
Đã từ rất lâu, Đờn ca tài tử vốn là một thể loại ca nhạc thế tục phổ biến rất rộng rãi trong đời sống thường ngày của người dân trên đất Nam bộ. Chính bởi được sinh ra và được ấp ủ, nuôi dưỡng trong lòng dân mà thể loại này trở thành phương tiện để bộc lộ nỗi lòng của người dân và có một sức phát triển vô cùng mãnh liệt. Ngay từ cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, biết bao bài bản tài tử đã ra đời, khóc lên nỗi đau mất nước, cảnh mẹ mất con, vợ lìa chồng…  Văn Thiên Tường của ông Trần Văn Thọ để tưởng nhớ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, ít lâu sau, khi nhà yêu nước này bị thực dân Pháp giết hại tại Mỹ Tho; Bát ngự của ông Ba Đợi sáng tác nhân dịp vua Thành Thái vào Sài Gòn (khoảng năm 1898-1899), để tỏ lòng ngưỡng vọng của nhân dân đối với quân vương - vì lòng tôn quân ái quốc, dẫu họ bị triều đình bỏ rơi trong cuộc chiến 1859-1894; Tứ bửu của ông Nhạc Khị diễn tả nỗi thương tâm cùng tột của con người sống trong cảnh nước mất nhà tan. Theo Trần Phước Thuận, khi sáng tác bản Ai tử kê (sau thường gọi là Ái tử kê Bạc Liêu) trong bộ tứ đó, tác giả của nó đã liên tưởng tới cái cảnh “chít chiu” của bầy gà con mất mẹ với cái cảnh Thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình Huế đầu hàng giặc bỏ mặc người dân bơ vơ đau khổ. Bản nhạc được đánh giá như “một nhạc phẩm tuyệt vời - điệu nhạc khi bổng khi trầm như oán như than, đã khắc hoạ được cái nỗi đoạn trường của người dân mất nước”.
Hai thập kỷ đầu thế kỷ XX, bởi chính là tiếng lòng của người dân, cho nên phong trào Đờn ca tài tử ngày càng lan rộng và phát triển mạnh mẽ khắp nơi - từ các thành đô sầm uất cho tới tận những vùng hoang vu vắng vẻ nhất như Đồng Tháp Mười, Rừng U Minh… Theo Đắc Nhẫn, ngay tại những vùng này, “trong những nếp nhà ấm cúng, đóng kín mít để tránh muỗi và khi bếp lửa khêu lên là tiếng đàn trỗi giọng, đó là giờ phút ấm lòng nhất. Vô phúc cho những ai còn ngờ vực, biểu lộ thái độ không nghiêm túc sẽ bị mời ra khỏi cửa một cách tàn nhẫn”.
Nhờ sự phát triển nhanh chóng của phong trào Đờn ca tài tử, chẳng những trình độ đờn ca của người nghệ nhân phát triển nhanh chóng mà trình độ thưởng thức âm nhạc của nhân dân cũng được nâng lên rất cao. Sau hoặc giữa những buổi hoà nhạc, thường có những cuộc thảo luận sôi nổi. Có những chính kiến khác nhau về vấn đề biểu diễn giữa những người già và người trẻ. Họ bàn tán về những kỹ thuật với một tinh thần bảo vệ và phát triển nghệ thuật như một nhiệm vụ. Còn nghệ nhân, “phải là tay cao siêu mà phải trải qua nhiều cuộc thử thách thi tài mới có đủ uy tín để tiếp thu đồ đệ”. Qua những bài viết trên các sách báo ở Nam bộ những thập kỷ đầu cho tới những thập kỷ 50-60 của thế kỷ XX cũng có thể cảm nhận rõ sự tinh thông về bộ môn nghệ thuật này của công chúng say mê cổ nhạc Nam bộ.
Nhờ sự giao lưu và thi đua giữa các môn phái tài tử miền Đông và miền Tây lúc bấy giờ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của Đờn ca tài tử - chẳng những về kỹ thuật đờn, ca, mà cả về phương diện ghi chép, hệ thống hoá, tu chỉnh những bản nhạc cổ, đào tạo những nghệ sỹ đờn ca, sáng tác, nhờ đó dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ của phong trào sáng tác mới theo lối cổ nhạc.
Ngoài 20 bản Tổ, còn phát triển thêm 8 bài Ngự, 10 bài Liên hoàn cùng vô vàn dị bản của chúng và rất nhiều bản mới do các nhạc sư, nghệ sỹ tài năng sáng tác, trong số đó có nhiều bản còn được lưu truyền cho tới nay cùng hàng trăm bài ca gắn với di sản âm nhạc phong phú đó. Từ lối sinh hoạt tri âm tri kỷ trong khuôn viên gia đình, chòm xóm, hoặc trên dòng nước lung linh bóng trăng, Đờn ca tài tử bước lên dưới ánh đèn lộng lẫy của sân khấu tân thời, sau đó nhanh chóng đổi mới cả về phương thức và hình thức trình diễn. Chỉ trong vòng trên dưới 10 năm, lối ca tứ đại oán “Bùi Kiệm – Nguyệt Nga” như có vấn đáp của cô Ba Đắc đã gợi ý cho sự sáng tạo từng bước hình thức ca ra bộ, rồi hát chập, hát lớp, cuối cùng dẫn tới sự hình thành một thể loại sân khấu kịch hát mới - thể loại kịch hát “vua”, có sức lan truyền mạnh mẽ nhất trong cả nước ở nửa cuối thế kỷ XX: hát cải lương, tức sân khấu cải lương. Trong suốt chặng đường trên nửa thế kỷ ấy, đờn ca tài tử phải đối mặt với những thách thức mới: sự bành trướng và sức hấp dẫn mãnh liệt của hát cải lương, và sau đó chẳng bao lâu, của tân nhạc (nhạc mới) Việt Nam. Bên cạnh đó là những trào lưu văn hoá nghệ thuật Âu Mỹ vẫn tiếp tục xâm nhập và ảnh hưởng không nhỏ tới tập quán, lối sống, thị hiếu… của người dân. Tuy nhiên, bất chấp tất cả Đờn ca tài tử vẫn tiếp tục con đường của mình: thích ứng với thời đại, sẵn sàng tiếp nhận cái mới để phát triển, nhưng kiên cường gìn giữ bản sắc cố hữu của mình. Nó tồn tại song song dưới cả hai hình thức - sinh hoạt thính phòng tri kỷ như thủa xưa và những hình thức trình diễn mới: trên sân khấu - trước đông đảo công chúng, hoặc tách biệt hẳn với công chúng qua phương thức thu - phát trên các phương tiện truyền thông mới du nhập và các đĩa hát… Đáng nể hơn nữa, nó đã không bị những hình thức hát mới thay thế hoặc làm lụi tàn. Trái lại, Đờn ca tài tử còn tiếp tục làm chỗ dựa vững chắc và là nguồn hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của sân khấu cải lương.
Theo sự bành trướng mạnh mẽ của sân khấu cải lương, cổ nhạc cùng những sáng tạo của giới tài tử Nam bộ đã được lan truyền ra khắp đất nước, thậm chí sang cả các nước láng giềng - nơi có Việt kiều sinh sống, rồi bằng nhiều con đường, được truyền bá tới tận những đất nước xa xôi khác. Cho tới nay, Đờn ca tài tử vẫn tồn tại ở các tỉnh Nam bộ như một nhu cầu tinh thần không thể thiếu của người dân. Nhiều bài bản của nó vẫn được truyền dạy ở các trường nghệ thuật, các lớp dạy tư của nghệ nhân, nghệ sỹ cả ba miền đất nước cũng như ở nước ngoài. Giới trẻ vẫn có những người theo học loại nghệ thuật tinh xảo này. Dẫu đã ngót trăm tuổi, nhạc sư danh tiếng Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn tiếp tục tiếp nhận và trao truyền không mệt mỏi vốn cổ nhạc quý giá này cho học trò khắp bốn phương. Dẫu đã bước qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy”, nhà nghiên cứu Trương Bỉnh Tòng vẫn miệt mài với những công trình nghiên cứu sâu sắc về cổ nhạc Nam bộ. Bên cạnh họ còn nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân tài năng và các nhà nghiên cứu trẻ thuộc những thế hệ kế tiếp nhau cùng tiếp bước…
Theo kết quả bước đầu trong công tác kiểm kê nghệ thuật Đờn ca tài tử tại 14/21 tỉnh thành có Đờn ca tài tử hiện có 2019 Câu lạc bộ, 22643 thành viên tham gia, 2850 nhạc cụ trong các câu lạc bộ, 120 đầu tư liệu xuất bản phẩm về nghệ thuật Đờn ca tài tử. Ở mỗi tỉnh, mỗi địa phương loại hình sinh hoạt văn hoá này phát triển theo hướng của riêng mình nhưng nói chung đều khởi sắc.
Đờn ca tài tử Nam bộ vừa là món ăn tinh thần thường nhật của người dân bản địa, vừa là đặc sản địa phương thiết đãi du khách có dịp viếng thăm quê hương (Vĩnh Long). Các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử còn phối hợp với Đài PT-TH thực hiện chương trình Đờn ca tài tử phát trên toàn tỉnh phục vụ người dân (Cà Mau).
Không chỉ xuất hiện ở những vùng miệt vườn sông nước, Đờn ca tài tử còn nở rộ giữa thành phố công nghiệp hiện đại (TP Hồ Chí Minh). Câu lạc bộ Đờn ca tài tử TP Hồ Chí Minh có mặt đông đủ các nghệ sĩ, nghệ nhân, soạn giả, danh cầm tên tuổi về đây vừa dạy, vừa làm cố vấn chuyên môn. Câu lạc bộ đã và đang làm một việc cơ bản nhất là muốn có phong trào, muốn có sự kế thừa và phát triển đúng đắn một loại hình âm nhạc, nghệ thuật của cha ông, trước tiên phải có học bởi nghệ thuật Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật đầy tính khoa học và sáng tạo, sáng tạo trong khoa học. 
Trong những thập niên vừa qua, sự phát triển của Đờn ca tài tử Nam bộ là một thành tựu văn hóa không thể phủ nhận. Mặc dù không có những gánh hát “nổi đình, nổi đám” như ở TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau… nhưng tình cảm của những người dân ở các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, Hậu Giang…trên đất Nam bộ giành cho môn nghệ thuật này không thua kém bất cứ nơi đâu. Thành viên của các nhóm, các câu lạc bộ Đờn ca tài tử rất đa dạng, phong phú như trí thức, viên chức, công nhân, học sinh, sinh viên, tiểu thương, nông dân…vì Đờn ca tài tử rất gần gũi cuộc sống lao động, sản xuất của mọi giai tầng trong xã hội.
Có lẽ nhiều người không sống trong không gian văn hóa miền Nam khi nghe nhắc đến Đờn ca tài tử thường nghĩ rằng loại hình nghệ thuật này vừa kén người nghe, vừa chọn người chơi. Phải có mặt tại một buổi sinh hoạt Đờn ca tài tử mới thấy được sức sống mãnh liệt của nó thể  hiện như thế nào. Già, trẻ, gái, trai, lao động, trí thức… tất cả đều xoay quanh tiếng đàn, tiếng hát. Niềm đam mê nghệ thuật đã xóa bỏ tất cả những ranh giới xã hội, gắn kết các thành viên lại với nhau. Tiếng hát mùi mẫn của tuổi già, hứng khởi của tuổi trẻ, có lúc trong sáng, hồn nhiên vui tươi cũng có lúc ai oán, nỉ non nghe não lòng. Ở nông thôn Nam bộ, việc biết Đờn ca tài tử như là lẽ đương  nhiên. Trên đường đi cày, đi cấy, gặt lúa, nhất là khi chèo xuồng một mình trên sông rộng, hay chống xuồng ba lá thanh thoát giữa rừng rậm U Minh hoặc trong mênh mông đồng nước Tháp Mười, không ai giấu nổi tình cảm trắc ẩn riêng tư. Khi con người đối mặt với sự bao la, bát ngát của thiên nhiên Nam bộ thì khó ai mà kìm được cảm xúc, họ bất chợt trở thành người nghệ sỹ, ca lên những tiếng hát của tâm hồn, hòa mình vào muôn trùng sóng nước. Họ muốn phá vỡ khung cảnh tĩnh lặng đang bao trùm, với khung cảnh đó thì dù người biết hát hay không biết hát cũng phải cất lên những lời ca để vơi đi phần nào cảm xúc. Với sân khấu là cả một khoảng trời bao la, là những cánh đồng bát ngát và những dòng sông nặng trĩu phù sa, lời ca như nâng nhịp mái chèo, vung cao nhát cuốc, hòa vào làn sóng nước mênh mông. Và cứ thế thời gian trôi đi lời ca tiếng hát vẫn mãi theo bước người đi khai hoang mở cõi. “Ca riết, nghe riết đâm nghiền”, Đờn ca tài tử đi vào tâm hồn và “ăn vào máu” người dân Nam bộ một cách tự nhiên, bền bỉ đến lạ thường. Đó là tiếng nói của tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi các bậc hiền tài đã góp công cho dân cho nước…
Đờn ca tài tử thực sự là một hiện tượng lớn của âm nhạc Việt Nam trong thời cận - hiện đại. Ở đó không chỉ có sự kế thừa, gìn giữ trong tinh thần tự tin, tự hào với di sản văn hóa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, mà còn có sự tiếp nối và phát triển với sức năng động lớn lao - không ngừng đổi mới, tiếp thu và dân tộc hóa những yếu tố mới để thích ứng với thời đại. Đó không chỉ là một sản phẩm của văn hóa và con người Việt Nam, mà còn là một mẫu mực điển hình của sức sống Việt Nam trong thời cận - hiện đại, một tấm gương sáng cho muôn đời sau, không chỉ với nhạc cổ truyền mà cả giới nhạc mới, trong việc kế thừa, bảo tồn và phát triển để thích ứng với thời đại mới.
 Bước đường đến với UNESCO
Đờn ca tài tử được giới thiệu với UNESCO từ những năm 1960. GS Trần Văn Khê cho biết từ năm 1963 ông đã nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thu một đĩa đờn ca tài tử để giới thiệu với UNESCO. Một đĩa tương tự đã được thực hiện vào năm 1972 với phần trình tấu của GS.TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo. Ngoài ra, Cocora Radio France - một cơ quan truyền thông của Pháp - đã mời ông cùng ông Vĩnh Bảo (năm 1972) và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng (năm 1994) ghi âm hai đĩa Ðờn ca tài tử khác và cả hai đĩa này đều nằm trong danh sách đĩa nhạc bán chạy nhất nước Pháp, được nhận giải Phê bình âm nhạc... vào năm phát hành. Các bộ đĩa thu Đờn ca tài tử theo lời mời của UNESCO của các ông vẫn được lưu trong kho lưu trữ âm nhạc dân tộc của tổ chức này.
Bấy nhiêu cũng đủ để thấy “người ngoài” đã để mắt đến Đờn ca tài tử từ lâu. Còn hiện tại, Đờn ca tài tử vẫn là loại hình nghệ thuật dân tộc được nhiều du khách nước ngoài chọn khám phá, thưởng thức khi đến Việt Nam.
Cho dù Đờn ca tài tử thực sự là loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam và khách quốc tế rất thích thú khi khám phá, trải nghiệm trong không gian riêng có của Đờn ca tài tử, nhưng hành trình đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử đến với UNESCO cũng còn lắm gian nan.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2681/BVHTTDL, theo đó Viện Âm nhạc Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật Đờn ca tài tử và các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Đờn ca tài tử” trình UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
GS-TS Trần Văn Khê phân tích: “Theo công ước 2003 thì di sản cần phải có bề dày lịch sử, tư liệu phải dồi dào, hồ sơ cũng dày hơn, nhưng Đờn ca tài tử chỉ mới ra đời hơn 100 năm, vẫn còn quá... trẻ, nên rất khó so với những nghệ thuật hàng trăm năm tuổi. Nhưng theo công ước 2008 về Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì các yêu cầu đã bớt khắt khe. Trong đó Đờn ca tài tử lại đáp ứng được yêu cầu nổi bật là tính cộng đồng khi nó lan tỏa rất mạnh, sống rất khỏe trong dân gian và không chỉ người miền Nam mà người miền Bắc, miền Trung cũng dành tình cảm cho Đờn ca tài tử”.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ có rất nhiều triển vọng được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bởi cơ bản đã đạt hết mọi tiêu chí mà UNESCO đưa ra: có tầm ảnh hưởng văn hóa rộng lớn, giá trị nghệ thuật độc đáo, không nhầm lẫn với bất cứ loại hình âm nhạc nào khác và quan trọng nhất là nghệ thuật Đờn ca tài tử có sức sống mãnh liệt, hiện vẫn đang “sống” và “sống rất khỏe” tại nhiều tỉnh thành Nam bộ.
Hình thành từ cuối thế kỷ 19, Đờn ca tài tử phản ánh rõ nét đời sống, tâm tư, tình cảm của người miền Nam. Đó là sản phẩm của sự giao thoa giữa dòng nhạc cung đình - dòng nhạc đã theo chân các nhạc quan chạy vào Nam theo phong trào Cần Vương - cùng dòng nhạc dân gian nảy sinh trên vùng đất mới trong quá trình đi khai hoang mở cõi. Do đó, nó là “tiếng lòng” của những người ly hương cất lên để giải tỏa nỗi lòng, để tìm bạn tri âm nơi “rừng thiêng nước độc” vì thế cũng buồn da diết mà điệu thức “Oán” là một điển hình, chỉ duy nhất có ở cổ nhạc Nam bộ. Trên vùng đất mới rất cần sự tương thân tương ái, gắn kết lẫn nhau, vì vậy mà Đờn ca tài tử cũng “bình đẳng” hơn hẳn so với ca trù chỉ dành cho bậc trí thức, nhã nhạc chỉ phục vụ cho tầng lớp quý tộc...
Để xây dựng hồ sơ trình UNESCO, đã có 14/21 tỉnh thành có Đờn ca tài tử tiến hành tổ chức các buổi hội thảo, toạ đàm và thu được những kết quả khả quan. Qua điều tra điền dã, nhóm lập hồ sơ đã phát hiện có 24 CLB và 4 dàn nhạc chơi Đờn ca tài tử xuất sắc. Phỏng vấn nghệ thuật được 18 tay đờn, sưu tầm được 8 tập tài liệu của 8 danh cầm và tìm được bài Ngũ châu, bài Tứ bửu bằng chữ nhạc cổ truyền. Đó là những tài liệu quý giá nhất của Đờn ca tài tử, rất cần thiết vào những hạng mục quan trọng của việc lập hồ sơ.
Hội thảo quốc tế ”Đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng” vừa diễn hồi đầu tháng 1 tại thành phố Hồ Chí Minh có thể xem là một trong những bước chuẩn bị cuối cùng trong việc lập Hồ sơ quốc gia Đờn ca tài tử đang được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao cho Học viện Âm nhạc gấp rút hoàn thành trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một hoạt động có ảnh hưởng then chốt trong chiến dịch tuyên truyền, quảng bá, làm rõ và nâng cao những giá trị nghệ thuật và tính độc đáo của nghệ thuật Đờn ca tài tử không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn cả cộng đồng quốc tế. Với sự góp mặt của hơn 120 đại biểu trong nước và 7 đại biểu quốc tế đến từ Pháp, Síp, Đức, Nhật, Malaysia, Hàn Quốc và Singapo, Hội thảo đã thực sự trở thành những cuộc bàn luận sôi nổi với hơn 30 bản tham luận giới thiệu về các khía cạnh, các sinh hoạt văn hóa đặc sắc của loại hình nghệ thuật truyền thống Đờn ca tài tử, chia sẻ thông tin, định hướng cho việc phát triển nhằm đáp ứng công tác bảo tồn, quảng bá hình ảnh loại hình nghệ thuật đặc sắc này trong xu hướng hội nhập với các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, hội thảo còn đề cập đến nhiều vấn đề nâng cao nhận thức, khuyến khích cộng đồng địa phương, xã hội chung tay giữ gìn, tuyên truyền, bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc trưng và sự hợp tác, ủng hộ, đồng thuận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học quốc tế trong quá trình đề cử loại hình nghệ thuật độc đào này trong tương lai.
Khi Đờn ca tài tử được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Đờn ca tài tử sẽ được nâng lên một tầm cao mới, không chỉ là di sản của người dân Việt Nam mà là của toàn thế giới, được thế giới bảo hộ và gìn giữ. Từ đó mở ra nhiều cơ hội mới cho sự phát triển đất nước về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, mỗi người dân Việt Nam lại càng thêm tự hào khi giới thiệu đến bạn bè thế giới hình ảnh một nước Việt Nam giàu đẹp.
Cinet tổng hợp
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét